Trong hàng chục năm ròng, cách duy nhất giúp những người dân ở Đại Loan (An Huy) kiếm sống là rời bỏ ngôi làng nằm cheo leo trên núi, tìm tới những thành phố phát triển của Trung Quốc.
Đầu những năm 1990, khi mới 20 tuổi, Wang Liangcui đặt chân tới Thượng Hải. Bà trải qua đủ thứ nghề từ công nhân nhà máy, lái taxi cho tới bán bánh.
Trên khắp Trung Quốc, những người như Wang chuyển từ ngôi làng lụp xụp của mình tới các thành phố. Tại đó, bà và mọi người trở thành cung cấp nguồn lao động giá rẻ giúp nền kinh tế của quốc gia tỷ dân phát triển mạnh mẽ.
Giờ đây, dưới chính sách mới của Chủ tịch Tập Cận Bình, Wang trở lại quê hương mình.
“Nông thôn mới” ở Trung Quốc
Năm ngoái, bà cùng người nhà dùng số tiền dành dụm khiêm tốn để mở một nhà nghỉ nhỏ.
Người nghèo ở nông thôn Trung Quốc được xem như lực lượng chiến lược của Bắc Kinh kể từ thời cố lãnh đạo Mao Trạch Đông. Nhiều thập kỷ sau, khi nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình lên nắm quyền, ông đưa họ tới những công trường và nhà máy ở các khu đô thị.
Dưới thời của Chủ tịch Tập, để thu hẹp khoảng cách giữa người giàu thành thị và người nghèo ở vùng quê, ông cố gắng khai thác các thị trấn nông thôn, tạo ra các thương nhân và người tiêu dùng ở đây.
Trước thềm kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Tập cam kết xóa bỏ tình trạng đói nghèo cùng cực ở nông thôn.
Để hiện thực hóa mục tiêu xóa bỏ sự bất bình đẳng, ông hướng sự chú ý tới những nơi như quê hương của bà Wang. Các vùng quê này từng bị bần cùng hóa và bớt tiếng người khi các thành phố lớn của Trung Quốc giàu lên nhờ nguồn lao động nhập cư.
Theo WSJ, Chủ tịch Tập cần một công thức mới để chuyển đổi kinh tế. Khi lên nắm quyền cách đây 8 năm, ông kế thừa mô hình tăng trưởng dựa trên việc sản xuất hàng hóa rẻ tiền. Nhưng phương thức này bị đe dọa khi chi phí sản xuất tăng lên và các quốc gia bắt đầu sản xuất hàng hóa ở những nơi khác.
Từ thực tế đó, ông hy vọng thúc đẩy chi tiêu trong nước bằng cách “sửa chữa” nền kinh tế nông thôn. Ông tìm cách thuyết phục những người sinh ra ở nông thôn rằng các thị trấn nhỏ cũng có thể mang lại cho họ cơ hội như những thành phố lớn.
Ở Thượng Hải, vợ chồng Wang làm quần quật chục năm cũng không mua nổi một căn hộ. Công việc cuối cùng của Wang trước khi trở về quê nhà là công nhân trong nhà máy đóng gói thực phẩm với mức lương 6.000 NDT (hơn 21 triệu đồng)
Trong một chương trình phát sóng trên truyền hình quốc gia năm 2016, ông Tập xuất hiện ở quê nhà của Wang. Ngồi trò chuyện cùng bà con bên chiếc bàn gỗ nhỏ, ông hỏi về giá thịt lợn và đảm bảo nhà nước sẽ không lãng quên bất cứ ai.
Hai năm sau, làng của Wang thoát nghèo. Các giếng ở sân sau được thay thế bằng máy lọc nước dùng năng lượng mặt trời. Những ngôi nhà hai tầng xuất hiện, trạm sạc cho ô tô điện cũng rải rác mọc lên.
Bà Wang và chồng cảm thấy phấn khởi. “Chúng tôi thấy có hy vọng từ quê hương mình”, bà nói.
Năm ngoái, Wang trở về Đại Loan mở “homestay” (nhà nghỉ dưỡng hộ gia đình – ND). Hơn 20 “homestay” dạng này mọc lên ở Đại Loan cùng nhiều công trình mới khác nữa.
Khi công việc kinh doanh ế ẩm, chồng của Wang tới làm tạm ở các công trường gần nhà với mức lương 150 NDT/ngày (hơn 500 nghìn đồng).
“Triết lý hiện tại của Trung Quốc là mang lại việc làm cho người dân thay vì đưa người dân tới với nơi có công việc”, Bert Hofman, giáo sư tại Đại học Quốc gia Singapore, người có 9 năm đảm nhiệm các vị trí cấp cao ở Ngân hàng Thế giới tại Trung Quốc cho biết.
Vào cuối những năm 1970, thu nhập của phần lớn người Trung Quốc sống ở các vùng nông thôn Trung Quốc rơi vào khoảng gần 5 triệu đồng/năm.
Năm 2018, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc vượt hơn 230 triệu đồng/năm nhưng chênh lệch giữa nông thôn và thành thị vẫn còn khá lớn. Theo Cục Thống kê Trung Quốc, những người nghèo ở nông thôn chỉ có khoảng gần 6 triệu đồng để chi tiêu mỗi tháng. Con số này không đủ để thuê phòng ở một thành phố tầm trung của Trung Quốc.
“Nếu người nghèo bị bỏ lại phía sau trong quá trình hiện đại hóa và chúng ta kết thúc với một bên là đô thị phồn hoa, một bên là những ngôi làng hoang tàn, chúng ta sẽ không đáp ứng được sứ mệnh Đảng đã gửi gắm”, ông Tập nhấn mạnh trong bài phát biểu về chính sách năm ngoái.
Trên thực tế ở Trung Quốc, cuộc sống ở các vùng nông thôn vẫn còn nhiều bất tiện. Trường học còn chưa nhiều, chất lượng cũng không thể so sánh với trên phố, y tế cũng tương đối lạc hậu, nông dân không có nhiều quyền sở hữu đất đai.
Trung Quốc kiểm soát dân số bằng hệ thống đăng ký hộ khẩu. Việc phân loại dân thành thị, nông thôn về cơ bản tạo ra sự phân tầng. Một người ở nông thôn thường không được hưởng nhiều quyền lợi như người thành thị.
Con trai của Wang sống từ bé ở Thượng Hải nhưng không đủ điều kiện để học trung học vì không có hộ khẩu gốc địa phương.
Tương tự, Liu Bin – một người con của vùng núi tại tỉnh Hà Bắc dù đã sống tại Bắc Kinh hơn 20 năm nhưng chưa bao giờ cảm thấy mình là một phần của thủ đô. Đơn giản vì trên giấy tờ, anh vẫn là người nông thôn.
Năm 2017, khi quê hương thay da đổi thịt, Liu trở về cùng vợ và con gái 9 tuổi. Anh thuê 33 mẫu đất vườn, nuôi gà, trồng khoai tây và thảo mộc để làm thuốc bắc nhờ các khoản vay với thủ tục khá dễ dàng.
“Trang trại không sản xuất được nhiều nhưng chúng tôi cảm thấy hạnh phúc”, Liu nói.
Giáo sư Scott Rozelle của Đại học Stanford cho biết cấp thêm tiền không thể giải quyết ngay lập tức các lỗ hổng ở nông thông Trung Quốc. Nhưng ông Tập là người nắm rõ vấn đề này.
Khi còn trẻ, ông từng tham gia vào chương trình thanh niên học tập ở nông thôn tại tỉnh Thiểm Tây nên hiểu rõ về cuộc sống của nông dân.
Nếu công cuộc hồi sinh nông thôn của ông Tập thành công, nó sẽ mang lại cho nền kinh tế Trung Quốc một động lực lớn. Ông Tập cũng coi canh tác hiện đại là tấm vé dẫn đến an ninh lương thực quốc gia.
Xem xóa đói giảm nghèo là trách nhiệm của cả quốc gia, nhà lãnh đạo Trung Quốc dựa vào các công ty lớn để tạo việc làm ở nông thôn. Tập đoàn Dalian Wanda thay da đổi thịt một ngôi làng hẻo lánh ở tỉnh Quý Châu khi mang tới các khách sạn và cả một trường đấu bò.
Alibaba và JD.com cam kết vận chuyển hàng hóa khắp nơi trên cả nước để thúc đẩy tiêu dùng nông thôn.
Vài năm trở lại đây, các thành phố lớn nhất Trung Quốc bắt đầu giới hạn dân số của họ.
Bất cập vẫn còn
Theo WSJ, bất chấp các nỗ lực thịnh vượng hóa khu vực nông thôn, những bất cập vẫn còn đó.
Zhang Tao, 25 tuổi sống với ông bà ngoại ở huyện Kim Trại, tỉnh An Huy vì bố mẹ chuyển lên Tô Châu làm việc.
“Nếu bạn muốn có một cuộc sống tốt đẹp hơn, bạn phải làm công nhân nhập cư. Khi đó, những đứa trẻ như chúng tôi bị bỏ lại ở đây”, Zhang nói.
Năm 16 tuổi, Zhang theo bố mẹ tới Tô Châu. Zhang vào học việc tại một nhà máy rồi chuyển nghề sang làm thợ cắt tóc. Tiệm cắt tóc của Zhang và bạn mở không thành công như mong muốn.
Năm ngoái, anh về quê, mở tiệm tóc gần nhà.
“Tôi biết sớm muộn gì mình cũng phải về nhà”, anh cho hay. Nhưng giờ Zhang lo quyết định của mình là sai lầm.
Bạn bè anh đều ở Tô Châu. Ở quê nhà, các tiệm cắt tóc khác cũng mọc lên như nấm.
“Kiếm tiền ở nhà không phải là điều dễ dàng”, anh tâm sự.
Guan Zheng, một người khác trở về An Huy bắt đầu kinh doanh trồng hoa. Nhưng Guan đang nản chí vì không tìm thấy loại phân bón phù hợp. Người dân ít dùng công nghệ nên anh khó tiếp thị sản phẩm của mình.
Với bà Wang, việc rời bỏ quê nhà khi còn trẻ là điều đúng đắn.
“Ở nhà, đến một xu còn không có. Ở bên ngoài, chúng tôi kiểm được vài trăm tệ một tháng và gửi được chút ít về nhà bố mẹ để họ mua ít gạo“, Wang nói.
Bà cũng tin trở về quê nhà sau chừng ấy năm bôn ba cũng không phải là quyết định sai lầm. Với Wang, quê hương bà giờ giống như một thành phố. Điều đó một phần là do chuyến thăm của Chủ tịch Tập biến Đại Loan thành một điểm thu hút khách du lịch.
Nơi ông Tập từng ngồi thậm chí còn trở thành một điểm tham quan.
Một buổi chiều gần đây, ba chiếc xe buýt chở đầy khách du lịch leo lên con đồi tiến vào thị trấn. Chiếc xe chở theo tham vọng biến những vùng quê thành những mảnh đất có thể giúp người dân địa phương có cuộc sống khấm khá.