Nhà sáng lập 33 tuổi của Facebook đã bỏ dở chương trình học ở Harvard. Tuy nhiên, hôm 25/5/2017 anh được nhận bằng tốt nghiệp danh dự.
“Hệ thống của chúng ta có gì đó không ổn, khi mà tôi có thể bỏ dở việc học ở đây (Harvard) và vẫn kiếm được nhiều tỷ USD chỉ trong 10 năm, trong khi hàng triệu sinh viên không thể hoàn trả khoản nợ sinh viên chứ chưa nói gì đến chuyện khởi nghiệp”, ông chủ Facebook nói với đám đông gồm nhiều sinh viên mới tốt nghiệp và cả gia đình của họ.
Zuckerberg cho rằng thế hệ trẻ cần phải hành động, kể cả những người đang bị mất việc làm vì công nghệ phát triển. Theo anh, ai cũng có cơ hội thử sức với những ý tưởng kinh doanh của họ.
Trong bài diễn văn tốt nghiệp Harvard mà Mark nói là để dành tặng cho mẹ, anh nói rằng đang có “một cuộc chiến về ý tưởng, chứ không phải là cuộc chiến giữa các quốc gia”. Một bên là những người muốn ủng hộ dòng chảy tự do về thương mại cũng như nhân lực, trong khi bên kia muốn điều ngược lại.
Bài phát biểu trong buổi lễ nhận bằng đại học của Zuckerberg củng cố đồn đoán về chuyện anh đang có tham vọng dấn thân vào con đường chính trị, thậm chí một ngày nào đó có thể tranh cử Tổng thống. Anh còn nhắc đến những chủ đề như thu nhập cơ bản, dịch vụ y tế giá rẻ cho trẻ em hay người lao động; bên cạnh đó thể hiện thái độ ủng hộ cải cách hệ thống xét xử tội phạm, hệ thống giáo dục và việc phân phối lại của cải.
“Cho phép mọi người dân tự do theo đuổi mục tiêu là chuyện khó có thể thực hiện được nếu như không có tiền. Những người như tôi nên chi tiền cho việc đó, và rất nhiều trong số các bạn sắp trở nên giàu có và cũng nên làm như vậy”.
Theo Trí thức trẻ/Financial Times
Có một nhận thức phổ biến rằng robot chính là "kẻ cắp" việc làm lớn nhất của con người. Mới đây, Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ đã đưa ra một nghiên cứu ủng hộ mạnh mẽ quan điểm này. Phía này ước tính cứ mỗi 1 con robot được đưa vào sản xuất thì nền kinh tế Mỹ mất đi 5,6 người lao động.
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa tự động hóa và người lao động không phải lúc nào cũng hiển nhiên. Thị trường lao động đang xuất hiện một trào lưu mới rất được ủng hộ đó là "robot cộng tác". Loại robot này nhỏ hơn và dễ đưa vào làm việc cùng với con người hơn. Ngân hàng Barclays nhận định trong giai đoạn 2016 - 2020, doanh thu loại máy này sẽ tăng gấp 10 lần.
Hơn nữa, bằng cách cải thiện công suất, tự động hóa có thể tạo ra việc làm mới cho con người. Sử dụng robot trở thành cách thức sản xuất tiết kiệm tại các quốc gia phát triển có chi phí lao động cao, giúp những nước này lấy lại sản xuất từ các quốc gia nghèo hơn. Trong năm nay, Adidas - một công ty sản xuất đồ thể thao sẽ bắt đầu sản xuất giày thể thao làm bằng robot và 160 nhân công tại một nhà máy của Đức.
Tháng 6 năm ngoái, công ty FANUC Nhật Bản đã khiến thế giới bàng hoàng khi tung ra loại robot công nghiệp chỉ cần 8 tiếng là có thể trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực bằng cách tự học. Robot công nghiệp có thể đạt được tốc độ làm việc và độ chính xác cực cao, nhưng thường thì chúng cần phải được lập trình cực cẩn thận. Khắc phục nhược điểm này, FANUC đã cho ra đời một loại robot sử dụng một kỹ năng học củng cố để tự trau dồi bản thân qua thời gian và đạt được độ chính xác 90% sau 8 giờ - tương đương khi được lập trình bởi chuyên gia.
Theo Trí thức trẻ/The Economist