Giá hàng hóa sẽ tiếp tục tăng trong năm 2018

Hãng tin kinh tế hàng đầu của Thụy Sĩ AWP dẫn dự báo, phân tích của nhiều chuyên gia quốc tế cho biết giá hàng hóa sẽ nối dài đà tăng vào năm 2018.

Cuộc chiến chống ô nhiễm của Bắc Kinh, với nhu cầu về năng lượng sạch hơn và các vật liệu thiết yếu cho công nghệ sạch, đã thúc đẩy giá kim loại công nghiệp, khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và thậm chí cả giá thép lên cao.

Bên cạnh đó, giá nguyên vật liệu tiếp tục được đẩy lên trong năm 2018 còn được lý giải bởi tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế lớn và sự gia tăng về chi tiêu cho cơ sở hạ tầng.

Ông Terry Reilly, một chuyên gia tại Futures International (một trong những công ty môi giới hàng đầu trên thị trường nông nghiệp) cho rằng đã kết thúc thời kỳ giá cả các nguyên vật liệu thấp bởi năm 2018 các quỹ đầu tư sẽ hướng đến các loại hàng hóa này, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ.

Nhu cầu và giá cả tăng cao là thực tế được ghi nhận với các kim loại được sử dụng trong ngành năng lượng tái tạo như đồng phục vụ sản xuất đường dây truyền tải và dây cáp dùng trong các tấm thu năng lượng Mặt Trời. Tình hình tương tự với nhôm, được sử dụng rộng rãi trong các loại xe điện.

Giá đồng và nhôm đã tăng gần 33% trong năm 2017 và đạt mức cao nhất kể từ bốn năm qua vào cuối năm, lần lượt có giá 7.259 USD/tấn và 2.270 USD/tấn.

Theo ước tính của Pan Pacific Copper, nhà máy luyện đồng lớn nhất Nhật Bản, giá đồng sẽ tiếp tục tăng hơn 25% trong hai năm tới để đáp ứng nhu cầu toàn cầu đang gia tăng.

Việc đóng cửa vì lý do môi trường của không ít các nhà máy luyện kim của Trung Quốc vốn sản xuất ra những sản phẩm thép với chất lượng trung bình đã khiến các hợp đồng mua bán kim loại thanh toán theo kỳ hạn tại Sàn Giao dịch Hàng hóa Thượng Hải tăng gần 45% trong năm vừa qua, lên đến 3.815 nhân dân tệ tương đương 489,10 euro mỗi tấn. Giá thép cũng được thúc đẩy bởi hoạt động nhộn nhịp trong ngành xây dựng.

Theo Vietnam+

 

Những thương hiệu 'vang bóng một thời'

Thiếu động lực tăng trưởng - bài toán chưa có lời giải với những doanh nghiệp truyền thống "một thời vang bóng".

Thành lập từ năm 1945, Kem Tràng Tiền đến nay đã có hơn 60 năm lịch sử. Tuy nhiên, thương hiệu đình đám một thời hiện giờ chỉ có vốn điều lệ khiêm tốn 30 tỷ đồng. Hai lần tăng vốn gần nhất được công ty thực hiện từ cách đây hơn nửa thập kỷ, năm 2012 và năm 2006. Lượng vốn hạn chế là một trong những khó khăn khiến thương hiệu kem từng phủ sóng khắp miền Bắc hầu như không có tăng trưởng trong những năm gần đây.
Bản thân câu chuyện tìm kiếm động lực tăng trưởng từ sự thích ứng với xu thế mới cũng là bài toán mà nhiều doanh nghiệp truyền thống chưa có lời giải thỏa đáng. Trong số này, Giầy Thượng Đình, Sá xị Chương Dương hay Diêm Thống Nhất là những ví dụ điển hình.
Trải qua hàng chục năm lịch sử, những thương hiệu này đang đứng trước ngưỡng cửa khó khăn của thời kỳ mới, thay đổi để vượt lên hay tiếp tục sống trong dĩ vãng.
Câu chuyện tìm kiếm động lực tăng trưởng là vấn đề không chỉ của doanh nghiệp truyền thống, mà còn là bài toán cho hầu hết doanh nghiệp hiện nay gặp phải.
Nếu nói những doanh nghiệp này không biết thay đổi sẽ không chính xác. Diêm Thống Nhất đã sản xuất bật lửa, Xe đạp Thống Nhất đã có những chiếc xe địa hình đời mới hay Miliket với bao bì mỳ 2 con tôm trên chất liệu nilon thay vì giấy kraft như trước.
Tuy nhiên, vấn đề ở đây là thời điểm mà các doanh nghiệp này chịu thay đổi chỉ xuất hiện khi bản thân đã đánh mất vị thế dẫn đầu và bước vào giai đoạn suy thoái.
Lợi thế thương hiệu là điều không phải bàn, tuy nhiên để khai thác lợi ích từ một tài sản vô hình cần đi kèm với một sản phẩm chất lượng và phù hợp với thị hiếu hiện tại. Mỗi doanh nghiệp đều có sự lựa chọn và vẫn còn đó những ngã rẽ mới để tồn tại.

Theo VnExpress.net

starstarstarstarstar

JSN Boot template designed by JoomlaShine.com